Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”, Long An đạt được kết quả bước đầu. Năm 2021, toàn tỉnh có 13,19% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 64,43% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các trường cao đẳng, đại học, trong đó, học cao đẳng nghề là 14,51%.
Tuy nhiên thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ. Đặc biệt là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT chọn học nghề chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông còn mang nặng hình thức, chưa có sự liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp; phụ huynh còn mang nặng tâm lý “trọng thầy hơn thợ; quy mô, ngành nghề, chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu;…
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận, đề ra các giải pháp góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học các ngành nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội; các trường học thay đổi hình thức, tư vấn hướng nghiệp học sinh, đặc biệt là phối hợp các trường nghề tổ chức học sinh tham quan và tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đề ra giải pháp đầu tư Trường Cao đẳng Long An thành trường cao đẳng chất lượng cao; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh có thương hiệu;…